Trung tâm điều hành hiện đại của Nhà máy điện rác Lương Tài. Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh - GCEP, xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ), do liên danh Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh và Công ty Chosun Refractory Engineering (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đã chính thức hoạt động với khả năng xử lý chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt đạt công suất 180 tấn rác/ngày, đêm; công suất phát điện là 6,1MW, hòa vào lưới điện Quốc gia thông qua đường dây 35kV kết nối với Trạm BA 110kV Quế Võ 2.
Nhà máy hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, bảo đảm các nguồn thải sau khi xử lý đạt các quy chuẩn môi trường Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh cũng như có khả năng cung cấp cho địa phương khoảng 40 triệu KWh/năm. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cùng với Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh, Nhà máy điện rác tại huyện Lương Tài, công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MWh, do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư và Nhà máy xử lý rác tái tạo năng lượng tại thị xã Thuận Thành, công suất xử lý 600 tấn rác thải rắn, công suất phát điện 13MWh/ngày, đêm do Công ty TNHH Năng lượng xanh T&J (T&J Green Energy) làm chủ đầu tư cũng chính thức vận hành thử nghiệm, góp phần đắc lực trong công cuộc xử lý cơ bản chất thải sinh sinh hoạt phát sinh hàng ngày và chất thải tồn đọng nhiều năm ở các địa phương trong tỉnh, bảo đảm môi trường nông thông sáng, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ hệ sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc cung cấp điện năng cho lưới điện Quốc Gia. Thành công này khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong chiến lược tăng trưởng xanh bền vững, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương tiên phong về xử lý chất thải bằng công nghệ cao phát năng lượng của cả nước.
Trước thách thức về ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt tăng cao, khoảng 1.150 tấn rác thải/ngày, đêm và tăng 7-10% mỗi năm; cùng với hàng trăm tấn rác thải công nghiệp phát sinh hàng ngày, Bắc Ninh đã chủ động đi trước một bước trong chiến lược phát triển chung của tỉnh, bằng việc xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Một trong những giải pháp căn cơ nhất trong việc xử lý rác thải là đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý rác công nghệ cao phát năng lượng. Chủ trương đó đã thành hiện thực, trong năm 2024 này, với 4 Nhà máy điện rác đồng loạt hoạt động sẽ xử lý triệt để chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và một phần chất thải công nghiệp.
Theo mục tiêu của tỉnh, đến năm 2025, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất nhỏ và trung bình sẽ dừng hoạt động, bảo đảm 100% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tỉnh UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo phương án phân bổ đồng đều lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương về 4 Nhà máy đốt rác phát điện để xử lý.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ các khu xử lý rác thải tập trung thông thường, bảo đảm công nghệ xử lý hiện đại, không gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Đến thời điểm hiện tại, 97% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được thu gom và xử lý; 95% chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn được thu gom, xử lý.
Con số này sẽ đạt 100% lượng chất thải phát sinh được thu gom, xử lý trong năm 2024, về đích trước lộ trình đặt ra trong Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 (mục tiêu năm 2025).
Có thể thấy, với việc coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển, Bắc Ninh tự hào là địa phương xây dựng hoàn chỉnh công nghệ xử lý rác thải phát năng lượng, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, hội tụ đầy đủ các yếu tố để vững vàng hội nhập, phát triển.
Theo MT&ĐT