Algeria là quốc gia Bắc Phi, có tiềm năng dầu khí hàng đầu thế giới. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành điện luôn dồi dào và giá rẻ. Bởi thế, trong cơ cấu nguồn phát điện quốc gia này, điện dầu chiếm tới 32%, điện khí khoảng 60%. Hiếm có quốc gia nào ngành điện từ lâu nay ít phải lo lắng về nguồn nhiên liệu như Algeria. Theo tính toán của các chuyên gia, tăng trưởng hàng năm của ngành điện Algeria đạt khoảng từ 5-8%.
Vào năm 2015, điện từ nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện chỉ chiếm khoảng 3,85%, trong đó điện mặt trời chiếm khoảng 3,2% tổng công suất cả nước. Tuy vậy, mục tiêu của Chính phủ Algeria là tăng công suất và sản lượng điện mặt trời lên khoảng 15% tổng cơ cấu nguồn. Trước sự gia tăng về nhu cầu sử dụng điện do dân số tăng và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, trong những năm gần đây Chính phủ Algeria đã chủ trương thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào dầu khí, giảm phát thải CO2 theo cam kết toàn cầu, tập trung vào phát triển điện mặt trời và điện gió. Chính phủ mong muốn đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đạt mức 37% công suất và 27% về sản lượng điện.
Hiện nay, hệ thống điện Algeria đang phục vụ khoảng 10 triệu khách hàng đăng ký, với mạng lưới truyền tải tăng trưởng không ngừng. So với năm 2000, mạng lưới truyền tải điện Algeria ước tính đã tăng gần 250%.
Trong xu thế chung về chuyển đổi năng lượng toàn cầu để đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, Algeria đã giảm hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí kể từ năm 2014, đồng thời áp dụng nhiều chính sách phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Có thể nói rằng sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ sẽ là một động lực to lớn cho lĩnh vực điện mặt trời tại Algeria trong những năm tới đây.
Mức giá ưu đãi khuyến khích đầu tư tương tự cơ chế giá FIT được Chính phủ Algeria đưa ra vào năm 2014 là 15,94 Dinar Algeria/ kWh (Tỷ giá 135 DA/USD), trong khi mức giá cơ sở bình quân là 12,75 DA/kWh.
Trong những năm tới, Chính phủ Algeria có kế hoạch phát triển 22000 MW điện năng lượng tái tạo với khoản đầu tư xấp xỉ 34 tỷ USD, trong đó ưu tiên phát triển các nhà máy điện mặt trời nhằm khai thác tiềm năng sẵn có.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia đánh giá Algeria sẽ cần nhiều năm để có thể thực sự giảm nguồn năng lượng truyền thống và chuyển đổi lĩnh vực năng lượng quốc gia theo hướng xanh, sạch. Ước tính trong 15 năm tới, năng lượng hóa thạch có thể vẫn chiếm tới 70% biểu đồ phát và sử dụng điện tại quốc gia Bắc Phi này. Một trong những lý do được đề cập là độ ỳ của chính sách và thói quen điều hành dựa trên nguồn năng lượng truyền thống đã ngấm sâu vào tư duy quản lý và điều này có thể trở thành rào cản vô hình đối với quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.mordorintelligence.com/fr/industry
https://www.irena.org)