Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) được Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ 220kV đến 500kV trên 9 tỉnh nam miền Trung và Tây nguyên, nơi đang tập trung các nguồn điện lớn.
Với sự phát triển mạnh về các nguồn NLTT, áp lực truyền tải hết công suất từ các nhà máy điện NLTT trong khu vực lên hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung là khó khăn thách thức lớn của PTC3.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 về vấn đề này.
Ông Đinh Văn Cường, Phó giám đốc PTC3 - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Nhiều áp lực trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải
- Thưa ông, năm 2024 được dự báo phụ tải sẽ tăng trưởng rất cao đặc biệt là vào mùa khô. Công ty Truyền tải điện 3 đối mặt với những khó khăn, thách thức gì trong công tác vận hành lưới điện?
Ông Đinh Văn Cường: PTC3 được giao nhiệm vụ truyền tải điện từ cấp 220kV đến 500kV trên 9 tỉnh nam miền Trung và Tây nguyên, nơi đang tập trung toàn bộ các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn của các nhà máy điện lớn ở khu vực.
Truyền tải điện từ các nhà máy giải tỏa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) lên lưới truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong thời gian tới, khi bước vào mùa khô là một áp lực không nhỏ đối với PTC3.
Hiện nay, tất cả các nguồn công suất truyền tải từ Nam vào Bắc hoặc các nguồn miền Trung đều đi qua khu vực PTC3 quản lý trong khi lưới điện luôn trong trình trạng vận hành đầy và quá tải.
- Trước những thách thức này, PTC3 đã có những giải pháp gì thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải điện trong mùa khô sắp tới, thưa ông?
Ông Đinh Văn Cường: Ngay từ cuối quý IV năm 2023, đầu quý I năm 2024, Đảng ủy PTC3 đã ra Nghị quyết triển khai việc giải quyết các khó khăn đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó đề ra các giải pháp cấp bách.
Đó là tăng cường kiểm tra, rà soát, thí nghiệm các thiết bị điện để từ đó tìm ra các khiếm khuyết trên lưới, trên các cơ sở đó, lập kế hoạch, phương án để xử lý, khắc phục ngay điểm yếu, khiếm khuyết của thiết bị.
Cuối quý 3 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, công tác thiết bị lưới điện quản lý vận hành của Công ty đạt 80% kế hoạch thí nghiệm, đáp ứng yêu cầu đề ra. Phấn đấu đến hết tháng 3/2024, PTC3 sẽ hoàn thành công tác thí nghiệm định kỳ, rà soát kiểm tra các khiếm khuyết có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn trong năm 2024.
Sau khi hoàn thành công tác thí nghiệm, Công ty đã lập các phương án, biện pháp xử lý các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để từ tháng 4/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa, thay thế, cũng như định kỳ bảo dưỡng để đảm bảo và đáp ứng yêu cầu cung cấp điện mùa khô.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng chuẩn bị các biện pháp ứng phó và xử lý nhanh các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Các phương án chi tiết xử lý sự cố từng cung đoạn, đường dây, từng ngăn lộ, trạm biến áp mà đơn vị quản lý cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với Nghị quyết chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty, toàn thể CBCNV và người lao động PTC 3, tin rằng trong thời gian tới sẽ đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện an toàn, liên tục phục vụ nhu cầu điện của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.
Vệ sinh cách điện hotline đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang khu vực mỏ đá Tân Dân - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Phối hợp giải tỏa nguồn NLTT trên địa bàn
- Quản lý vận hành lưới điện trong khu vực có công suất nguồn NLTT lớn, thời gian qua Công ty có sự phối hợp như thế nào với các Nhà máy điện NLTT trên địa bàn?
Ông Đinh Văn Cường: Tính đến hết năm 2023, Tổng công suất điện năng lượng tái tạo (NLTT) đấu nối vào lưới điện truyền tải Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là 5.861 MW. Trong đó, có 20 nhà máy điện gió, điện mặt trời đấu nối chuyển tiếp vào lưới truyền tải; 9 nhà máy đấu nối vào thanh cái trạm biến áp (TBA) truyền tải; 28 nhà máy đấu nối vào thanh cái nhà máy NLTT khác.
Tổng công suất các nhà máy điện gió trên địa bàn là 23 nhà máy (2.308 MW); Điện mặt trời là 36 nhà máy với tổng công suất khoảng 3.553 MW.
Riêng phần nguồn điện NLTT đấu nối lưới điện phân phối của 09 Điện lực tỉnh thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam là 5.063 MW. (Cấp điện áp 110kV gồm 61 Nhà máy điện mặt trời: 2.308 MW; Điện mặt trời trang trại và áp mái đấu nối ở cấp điện áp dưới 22kV: 2.755 MW).
Như vậy tính cả phần nguồn NLTT phía lưới phân phối thì tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 Công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000 MW và tỷ lệ cơ cấu nguồn NLTT tại khu vực là hơn 50%.
Xác định rõ nhu cầu và trách nhiệm của mình, ngoài công tác đảm bảo cung ứng điện liên tục phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu của nhân dân thì công tác phối hợp với các nhà máy điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng khác, được Công ty hết sức chú trọng.
Ngay từ đầu năm 2024, chúng tôi đã xây dựng các phương án, biện pháp kỹ thuật đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo liên tiếp với các nhà máy có nguồn điện đấu nối vào hệ thống điện do PTC3 quản lý, từ đó đưa ra các biện pháp phối hợp đảm bảo vận hành liên tục, ổn định. Chúng tôi luôn đồng hành và chia sẻ đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, tạo mọi điều kiện để phối hợp để giải tỏa hết công suất, tránh thất thoát lưới điện.
Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện bảo trì, bảo dưỡng đường dây ngay cả ban đêm (theo thống kê năm 2023, Công ty đã đăng ký cắt điện, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hơn 100 lần) nhằm đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn. Tuy nhiên, việc đăng ký cắt điện ban đêm, bảo trì bảo dưỡng lưới điện cũng gây áp lực không nhỏ đến CBCNV vì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
- Cùng với nỗ lực của PTC3 đảm bảo truyền tải điện an toàn liên tục, ông có khuyến nghị gì để các bộ ngành địa phương phối hợp cùng Công ty thực hiện tốt công việc quản lý lưới điện trên địa bàn?
Ông Đinh Văn Cường: Lưới điện do PTC3 quản lý thường đi qua địa hình hiểm trở, quản lý và đảm bảo an toàn gặp nhiều khó khăn. Ngoài công tác đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, công ty còn phải kết hợp với các đơn vị đang thực hiện các dự án khác như thi công đường cao tốc Bắc- Nam, cao tốc Nha Trang- Đắk Lắk. Đây là một trong những công trình trọng điểm thi công cấp bách đảm bảo hoàn thành trong năm 2024. Công ty đã phối kết hợp với các đơn vị để có sự chia sẻ, bàn biện pháp cắt điện thi công phù hợp, vừa đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công, vừa đảm bảo tiến độ dự án.
Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh có đường dây truyền tải đi qua động viên người dân hỗ trợ và cùng chung tay đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tuân thủ Luật Điện lực.
Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện nhằm sớm đưa vào thi công các dự án này đúng tiến độ được giao, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục trong mùa khô năm 2024.
Theo Báo Chính phủ điện tử.