Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, việc điều chuyển công trình điện được đầu tư từ vốn nhà nước sang EVN quản lý đã được triển khai thực hiện từ năm 2017 theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đâu tư bằng vốn nhà nước sang EVN quản lý.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay từ khi Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg được ban hành, nhưng qua tổng kết, đánh giá tình hình bàn giao, tiếp nhận, số lượng công trình điện được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển còn thấp (theo tổng hợp của EVN, sau 4 năm triển khai, số lượng công trình EVN đã đồng ý tiếp nhận là 2.825 công trình, chiếm khoảng gần 20% số công trình các chủ tài sản đang quản lý dự kiến bàn giao sang EVN quản lý); số lượng công trình điện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chuyển là 302 công trình (chiếm khoảng 10,7% tổng số công trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đồng ý tiếp nhận).
Việc chậm bàn giao, tiếp nhận công trình điện có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quy trình điều chuyển tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg còn phức tạp, qua nhiều bước trung gian, phạm vi công trình điện chuyển giao chưa bao quát được các trường hợp phát sinh trong thực tiễn.
Để tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ Tài chính đã phối hợp với EVN, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Chính phủ về việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN để thay thế Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính trình bày những điểm mới của Nghị định số 02/2024/NĐ-CP. Ảnh: Đức Minh. Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, sau khi hoàn thiện các quy trình, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngày 10/1/2024, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2024.
Các công trình điện được chuyển giao sang EVN:
-Đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 110kV
-Đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp dưới 110kV
-Hệ thống điện độc lập tại nông thôn, miền núi, biên giới và các khu vực biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam chưa nối lưới điện quốc gia
-Nhà máy điện, thiết bị, lưới điện đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện quốc gia và các công trình phụ trợ của Nhà máy điện.
Cũng theo Thứ trưởng, việc Chính phủ nâng tầm Quyết định thành Nghị định đã thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà nước đối với công tác này. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các báo cáo viên trình bày cụ thể phạm vi, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển giao công trình điện; giải đáp các thắc mắc của các đại biểu để thống nhất cách hiểu, cách làm.
Đồng thời, đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung lắng nghe để nắm được tinh thần của Nghị định, triển khai thực hiện bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh phải xác định và công bố cụ thể cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác; EVN phải ban hành văn bản công bố đơn vị điện lực được giao, ủy quyền làm Bên nhận và thông báo, hướng dẫn đơn vị điện lực thống nhất áp dụng thời gian trích khấu hao tài sản là công trình điện thuộc đối tượng chuyển giao.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh. Trình bày về các điểm mới tại Nghị định số 02/2024/NĐ-CP, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, với 5 nội dung và 6 phạm vi được điều chỉnh so với các quy định trước đây, Nghị định số 02/2024/NĐ-CP đã phân cấp rất mạnh cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đang trực tiếp quản lý các công trình điện.
“Do đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý công trình điện, các bộ, ngành, địa phương tự quyết định việc chuyển giao công trình điện sang EVN để bảo đảm việc bàn giao công trình điện sang EVN được nhanh chóng, kịp thời” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 02/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Công trình điện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; công trình điện là tài sản công tại doanh nghiệp (không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp); công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước; công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho nhà nước; công trình điện có nguồn gốc ngoài NSNN; công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng có đánh giá về sự tích cực, khẩn trương và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với EVN tổ chức Hội nghị tập huấn này.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự làm việc rất trách nhiệm của Bộ Tài chính thời gian vừa qua để Nghị định được ban hành. Ngày hôm nay, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đến 764 điểm cầu trong cả nước, kết nối đến cấp quận, huyện để các cơ quan tổ chức đơn vị cũng như EVN, doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh điện có cơ hội được nghe truyền đạt trực tiếp, từ đó có cách hiểu đúng, đủ, thống nhất về nội dung, trình tự thủ tục để triển khai được Nghị định một cách nhanh nhất, đưa nghị định vào cuộc sống. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm có trách nhiệm của Bộ Tài chính, công tác chuyển giao các công trình điện sang EVN được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân doanh nghiệp” - ông Lâm chia sẻ./.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam