Công nhân Điện lực Sông Cầu sử dụng camera nhiệt kiểm tra trạm biến áp trên địa bàn. Ảnh: THỦY TIÊN Muôn cách tiết kiệm điện
Thay mới đường dây điện cũ, hay đổi thiết bị điện sử dụng đã lâu, những thiết bị có công nghệ cũ bằng những thiết bị có công nghệ mới, tiết kiệm điện… là cách mà khá nhiều gia đình lựa chọn. Từ đầu mùa nắng nóng, khi thấy hóa đơn tiền điện gia đình nhảy vọt, bà Phạm Thị Hoa ở phường 3 (TP Tuy Hòa) đã nhờ người kiểm tra lại hệ thống điện và được tư vấn thay toàn bộ đường dây vì thời gian sử dụng đã lâu, gây tổn hao điện năng, có nguy cơ chập cháy gây hỏa hoạn.
Bà Hoa cho biết: “Sau khi được giải thích, tư vấn rõ ràng, gia đình tôi đã thay mới toàn bộ đường dây điện trong nhà. Chi phí khá tốn kém, nhưng đổi lại an toàn, phòng ngừa cháy nổ và còn giúp giảm tổn thất điện hằng tháng”.
Còn theo ông Hồ Thành Loan ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa), hóa đơn tiền điện hồi tháng 3 của gia đình ông tăng gần gấp đôi, trong khi gia đình chỉ sử dụng thêm vài giờ máy điều hòa nhiệt độ mỗi ngày. “Sau khi được nhân viên dịch vụ điện kiểm tra thì phát hiện máy điều hòa của gia đình do đã sử dụng hơn 15 năm nên hiệu suất làm mát kém, tiêu hao điện năng lớn. Vì vậy, gia đình tôi đã thay máy mới với công nghệ tiết kiệm điện. Nếu như hồi trước phải đặt máy ở 16-170C mới mát thì nay ở mức 280C cũng đã đủ mát. Hóa đơn tiền điện tháng 4 vừa rồi đã giảm hẳn”, ông Loan nói.
Trong khi đó, đối với những gia đình có lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, để tiết kiệm chi phí mua điện, họ đều tranh thủ sử dụng điện vào ban ngày khi hệ thống điện mái nhà còn hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: Hầu hết công việc cần sử dụng điện như ủi quần áo, giặt đồ, bơm nước…, gia đình tôi cố gắng làm vào ban ngày. Đặc biệt, vào mùa này, vào khoảng 15-17 giờ mỗi ngày, tranh thủ dùng nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời, gia đình tôi sẽ cho chạy các máy điều hòa nhiệt độ, nhờ vậy đến tối chỉ cần dùng quạt cũng đủ mát.
Để tiết kiệm điện, mọi người còn tự nâng cao ý thức tiết kiệm điện của bản thân và các thành viên trong gia đình. Toàn bộ thiết bị điện đều được tắt khi không sử dụng, tuyệt đối không mở cửa phòng khi mở máy điều hòa và chỉ nên đặt nhiệt độ từ 270C trở lên, tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên. Ngoài ra, nhiều gia đình còn tích cực trồng cây xanh trong nhà, trước cửa, trên sân thượng để che nắng, tạo không gian xanh làm mát không khí…
Nỗ lực vận hành lưới điện an toàn, ổn định
Thống kê từ Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, tính đến hết quý I/2024, công suất cực đại toàn tỉnh đạt 167,6MW, tăng 18,6MW so với cùng kỳ năm 2023; tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 246,909 triệu kWh, tăng 16,71% so với cùng kỳ.
Công ty Điện lực Phú Yên đang chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với các giải pháp vận hành khả thi, đảm bảo mục tiêu cung ứng điện cho phát triển KT-XH và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Nguyễn Khoa Trình
Tất cả thành phần phụ tải đều tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm ở mức lớn hơn 15%; trong đó tăng cao nhất là thành phần phụ tải thương nghiệp khách sạn với mức tăng trưởng 24,18%, tăng trưởng thấp nhất là thành phần phụ tải quản lý tiêu dùng với mức tăng trưởng 15,68%. Trong khi đó, từ đầu tháng 4 đến nay, nắng nóng cục bộ nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: Trước tình hình này, để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm 2024, công ty đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc triển khai hiệu quả chương trình điều hòa phụ tải hợp lý với khách hàng, tính toán huy động nguồn diesel của khách hàng khi cần thiết, đồng thời đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.
Theo đó, các điện lực trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm tra các vị trí xung yếu, các khu vực có nhiều cây cối, đông dân cư, có công trường xây dựng để có giải pháp phù hợp giảm thiểu tối đa sự cố lưới điện. Công ty cũng tổ chức đoàn kiểm tra các trạm biến áp công cộng có sản lượng lớn và mang tải cao để phối hợp với các đơn vị thực hiện phương án san tải, vừa đạt mục tiêu giảm tải, vừa giảm tổn thất điện năng.
Đồng thời, các bộ phận chức năng liên tục sử dụng phần mềm DSPM, RF Spider để theo dõi điện áp vận hành các trạm biến áp công cộng; có kế hoạch điều chỉnh đầu phân áp; xử lý tình trạng lệch pha, tổ chức cân pha theo trình tự; xử lý quá tải hoặc non tải máy biến áp, sụt áp cuối nguồn, quá tải cục bộ các đường dây hạ áp; sử dụng camera nhiệt kiểm tra lưới điện…
Theo Điện lực Sơn Hòa, ngay từ đầu mùa nắng, đơn vị này đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống lưới điện, đường dây trung thế, hạ thế, xử lý ngay các tồn tại, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố lưới điện. Đến nay đã thay thế cầu chì, thay sứ cột, phát quang hành lang lưới điện tại các xuất tuyến 471, 472, 473, 475, 477 và479; thực hiện hoán chuyển, nâng công suất 4 trạm biến áp có nguy cơ đầy tải, quá tải và cân pha san tải hợp lý giữa các trạm biến áp. Điện lực Sơn Hòa cũng đã đầu tư 10 trạm biến áp 3 pha, đến nay đã đóng điện 6 trạm, trong tháng này sẽ hoàn thành đóng điện 4 trạm biến áp còn lại.
Theo Báo điện tử Phú Yên