Tủ mát bảo quản hoa quả ở chợ Hòa Khánh. Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) để tìm hiểu về việc tiết kiệm điện của tiểu thương chợ này. Chợ Hòa Khánh được xem là một chợ lớn gồm các ki ốt khang trang và các gian hàng ngoài trời với cả trăm hộ tiểu thương kinh doanh nhộn nhịp.
Theo quan sát của chúng tôi, các ki ốt kinh doanh trong chợ chính đều lắp bóng đèn tiết kiệm năng lượng; có hệ thống thông gió trên mái tạo sự thông thoáng kết hợp với các cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên.
Ngoài điện thắp sáng thì các tiểu thương có lắp quạt trần, quạt treo tường để sử dụng, hầu hết các thiết bị này đều có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
“Tôi chọn mua quạt có công suất phù hợp với nhu cầu, với không gian ki ốt để tránh lãng phí, ít tiêu tốn điện năng. Chúng tôi cũng được các chú thợ điện tuyên truyền tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện hợp lý, hiệu quả không chỉ ở chợ mà còn trong sinh hoạt gia đình” – chị Thanh bán quần áo ở chợ Cồn cho biết.
Khu vực ngoài trời xung quanh chợ, các tiểu thương tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên nên vào ban ngày, hầu như không ai thắp đèn điện, cũng là cách để tiết kiệm chi phí hàng tháng.
Theo nhân viên Ban quản lý chợ Cồn, hệ thống chiếu sáng trong khuôn viên chợ và các ki ốt luôn tuân thủ các quy định về an toàn điện, chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tối đa công suất các thiết bị điện phục vụ mục đích quảng cáo, trang trí.
Còn tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chị Thương kinh doanh cửa hàng trái cây, rau củ chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến dùng điện nhiều, chi phí tiền điện tăng cao nên tôi cũng rất quan tâm đến việc tiết kiệm điện. Tôi mua hệ thống tủ mát để bảo quản các loại hoa quả, rau củ này cũng là loại tiết kiệm năng lượng, có công nghệ làm lạnh inverter, điều chỉnh nhiệt độ tự động, giúp tiết kiệm điện hơn so với tủ mát thông thường”.
Có thể nói, trong những năm qua, PC Đà Nẵng tích cực tuyên truyền đồng bộ nhiều hình thức tiết kiệm điện nên đã tạo chuyển biến về ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân.
“Tiết kiệm điện là việc nên làm, vừa giảm được chi tiêu hàng tháng trong gia đình, vừa chung tay với ngành điện để giảm áp lực nguồn cung và thể hiện trách nhiệm xã hội. Để tiết kiệm điện, chúng ta nên thay thế các thiết bị đã quá cũ, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị đang sử dụng, mua sắm các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng... Đặc biệt, nên tắt các thiết bị điện, tốt nhất là ngắt cầu dao hoặc rút phích cắm ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng” – anh Hùng, thợ sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng khu vực chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chia sẻ.
Được biết, vừa qua UBND TP Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ tiết kiệm điện cho các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan, công sở, toà nhà văn phòng, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện... đảm bảo tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm so với mức sử dụng điện bình thường. Hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 -2025; trong đó, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm buổi tối. Đối với các doanh nghiệp sản suất sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện