Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị cần bố trí phương thức vận hành nguồn, lưới điện hợp lý đảm bảo an toàn, tin cậy trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố. Ưu tiên đảm bảo điện tại các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá của các địa phương.
Các tổng công ty điện lực chỉ đạo các công ty điện lực chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nắm bắt thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện, đảm bảo cung cấp điện ổn định và đảm bảo thực hiện tốt công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong các ngày lễ.
Bên cạnh đó, các công ty điện lực bố trí máy phát điện dự phòng, nhằm đảm bảo điện tại các trọng điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá lớn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bố trí lực lượng ứng trực, vật tư thiết bị dự phòng, nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại để đảm bảo kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của thiết bị nguồn, lưới điện, phát quang hành lang đảm bảo an toàn tuyến dây.
Đồng thời, các đơn vị EVN phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương rà soát, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện và địa điểm điều hành lưới điện.
EVN yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thông báo cho các đơn vị phát điện đảm bảo mức độ sẵn sàng đáp ứng cao nhất khi hệ thống yêu cầu huy động.
Đối với Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, EVN yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống đường truyền để vận hành an toàn hệ thống điện và mạng máy tính hoạt động tốt. Tổ chức ứng trực 24/24h phục vụ công tác điều hành của Tập đoàn./.
Theo Năng lượng Việt Nam