Nhóm nữ công nhân địa phương làm việc trên công trường - Ảnh: B.D. Trong hành trình tải dòng điện ra Bắc, tuyến đường dây 500kV mạch 3 đi ngang các ngôi làng. Ở đó, nhiều người dân sau khi đã nhường đất đai, ruộng vườn đã khoác áo công nhân góp sức nối dài đường điện.
Những nông dân làm dự án quốc gia
Cách hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) khoảng 500m về phía đông có một nhóm công nhân đang hì hục bốc vác thép, lắp đặt thiết bị cọc vị trí 171 dự án đường dây 500kV mạch 3. Công trường trên một đám ruộng đã giải tỏa cách không quá xa nhà dân.
Tổ thợ của ông Trần Xuân Lưu được nhà thầu thuê thi công cột 171 gồm tám người, trong đó có ba phụ nữ. Điều thú vị là họ đều sinh sống tại xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) - nơi vị trí cột đi qua.
Từ đầu năm 2024, xóm làng sôi động bởi xe cẩu, máy móc, công nhân từ Nam chí Bắc đổ về rầm rộ.
Họ xin các gia đình có đất trống trải để đóng cọc dựng lán trại, tập kết vật liệu. Nhiều nhà nông bỗng có thêm thu nhập vãng lai từ sự xuất hiện đường dây 500kV mạch 3 này. Một số hộ dọn dẹp lại gian nhà bỏ trống để đón các tốp thợ vào ở. Nhiều người còn được nhận vào lán trại để đi chợ, lo cơm nước cho công nhân từ các tỉnh thành.
Tại xã Cẩm Mỹ, những ngôi làng lâu nay vốn vắng lặng bỗng sôi động bước chân người và những bãi tập kết vật tư điện lực. Chúng tôi gặp những toán thợ mà đa số nghe giọng đều đoán ra đó là người tại chỗ. Khi đường dây đi qua, bà con được mời vào phụ các công việc tại công trường vốn không cần chuyên môn cao.
Chị Phạm Thị Trang, ngụ xã Cẩm Mỹ, cùng hai chị em khác trong làng vừa được nhận vào phụ việc tại vị trí cột 171. Công việc chị là vác những thanh sắt nhỏ, vặn ốc vít định hình các thanh sắt lại với nhau để máy cẩu nâng lên cao dựng cột.
"Thỉnh thoảng có đài truyền hình, các nhà báo về đây ghi hình, phỏng vấn. Đêm về mở tivi thấy những lao động như mình đứng giữa ruộng, mồ hôi ướt đẫm tự dưng lòng thấy vui vui. Chúng tôi cũng được thấy lãnh đạo các cấp về công trường, xuống tận nơi công nhân đang làm để động viên tinh thần mọi người.
Chị Phạm Thị Trang được nhà thâu thuê vào làm việc tại vị trí cột 171 - Ảnh: LÊ MINHLàm cực nhọc để kiếm chút tiền lúc nông nhàn, nhưng có cảm giác như mình là một phần trong dự án tầm cỡ quốc gia. Sau này đóng điện, chúng tôi rất vinh dự vì mồ hôi của mình đã góp vào dự án" - chị Nguyễn Thị Lý, xã Cẩm Mỹ, tự hào tâm sự.
Không chỉ chị Trang, chị Lý mà dọc tuyến 500kV đi qua có rất nhiều lao động được mời vào công trường. Nhiều người trong số này trước đó đã đồng ý ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhường ruộng vườn để Tập đoàn Điện lực Việt Nam nối điện vì sự nghiệp phát triển chung của Tổ quốc.
Khi nhà thầu đổ về rầm rộ, chính họ lại thêm một lần nữa góp sức trên công trường. Từ đào móng trụ, xúc đổ đất, khuân vác vật tư... Những nông dân tại chỗ chính là lực lượng lao động thời vụ góp phần giúp nhà thầu đẩy nhanh ngày đưa dòng điện về đích.
Vị trí cột 171 qua Cẩm Mỹ, nơi có nhóm công nhân địa phương lao động trên công trường - Ảnh: LÊ MINHDốc lực cho dự án trọng điểm
Những ngày này đi qua bất cứ làng quê nào dưới đường dây 500kV mạch 3 ở Hà Tĩnh cũng thấy không khí rầm rộ, khẩn trương. Xe tải trọng lớn chạy trên quốc lộ rồi bật xi nhan chuyển hướng đưa những cuộn dây, thanh sắt khổng lồ vào đổ ở gần các vị trí cột. Các đoàn xe con liên tục chạy như thoi đưa lãnh đạo, cán bộ xuống công trình kiểm tra tiến độ.
Trong hành trình hơn 500km đi qua, Hà Tĩnh có chiều dài đường dây dẫn qua dài tới hơn 141km, 285 vị trí cột, 284 khoảng cột/113 khoảng néo trải dài trên chín huyện, thị xã. Đường dây ảnh hưởng 60ha rừng, trên 500 hộ dân phải thu hồi đất. Ngoài ra có tới 68 nhà/công trình, 82 chuồng trại, vật kiến trúc cũng nằm trong diện phải giải tỏa.
Trước yêu cầu cấp bách, bài toán làm sao giải phóng mặt bằng vừa nhanh vừa đảm bảo quyền lợi cho bà con địa phương nơi các dự án đi qua đặt ra làm đau đầu những người đứng đầu tỉnh. Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Dương Thanh Hòa tự hào tâm sự rằng tới giờ có thể khẳng định Hà Tĩnh đã làm trọn vẹn.
"Bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm việc 3 ca 4 kíp"... để quyết tâm đóng điện sớm. Cả tỉnh huy động tổng lực hệ thống chính trị để tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo các điều kiện cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai thực hiện dự án", ông Hòa nói.
Tại Quảng Bình, nơi khởi đầu của tuyến đường dây 500kV mạch 3, phần chiều dài đường dây đi qua không lớn do nằm trên địa bàn huyện Quảng Trạch, sát tỉnh Hà Tĩnh.
Dù vậy, để đẩy nhanh tiến độ theo lệnh của Thủ tướng, từ chính quyền tới các lực lượng như Đoàn thanh niên và nhân dân đã dốc sức hỗ trợ giải phóng mặt bằng để bàn giao hành lang tuyến cho nhà thầu.
Từ giáp ranh Hà Tĩnh với Nghệ An hướng ra Quỳnh Lưu (Nghệ An) rồi tới Thanh Hóa, đường dây 500kV mạch 3 như sợi chỉ khổng lồ xuyên qua làng mạc, những cánh đồng của người dân.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Phạm Văn Tuyên, nói rằng dù số hộ dân bị ảnh hưởng hành lang tuyến 500kV mạch 3 không lớn, nhưng khi dự án được triển khai thì gần như lãnh đạo từ huyện tới xã đều xác định dốc sức để cùng ngành điện đẩy nhanh tiến độ.
Yên Thành đã bàn giao sớm 22 vị trí móng cột trong toàn bộ chiều dài đường dây 500kV mạch 3 đi qua huyện này, tất cả đều trọn vẹn nhất.
Tại các huyện dọc quốc lộ 1 dường như qua mỗi ngày lại có thêm những con số mới được đánh dấu trên chiều cao các vị trí cột đường dây 500kV mạch 3.
Công nhân làm việc trên không trung tại vị trí cột 171 - Ảnh: LÊ MINH Từ tháng 4 đến nay liên tiếp có những chuyến xe đường dài chở anh em thợ từ miền Bắc, Nam Trung Bộ ra đổ quân xuống các làng quê tiếp sức cho Nghệ An.
Tại các huyện, lực lượng của Tổng công ty Điện lực miền Trung, hàng trăm nhân sự điều động từ các đơn vị thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã liên tục rải khắp các vị trí để dựng lán trại, ổn định ăn ở, bám sát công trường làm việc.
Nhóm công nhân Điện lực Quảng Bình nhận thi công vị trí cột 381, 383 đoạn qua huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Nhiều tuần qua, trảng rừng keo của người dân thành đại công trường. Anh em công nhân điện lực từ Quảng Bình được điều ra bám công trường, làm ngày làm đêm với tất cả quyết tâm đưa dự án sớm về đích vì sự nghiệp phát triển quốc gia.
Áp lực tô điểm thêm vinh quang
Với một dự án tầm cỡ đi qua nhiều làng xã, ruộng vườn, tài sản người dân suốt chiều dài hơn 500km như đường dây 500kV mạch 3 thì trong điều kiện bình thường việc đáp ứng tiến độ cũng đã là thử thách vô cùng lớn với các địa phương.
Thế nhưng trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo điện cho miền Bắc, một cuộc chạy nước rút, tổng động viên cả hệ thống chính trị với hàng ngàn nhân lực rải dọc đường dây từ Quảng Trạch ra Phố Nối của ngành điện lẫn các địa phương từ Quảng Bình ra tới Hưng Yên đã chứng minh rằng một khi có đủ lòng quyết tâm, trách nhiệm thì mọi áp lực lại trở thành động lực để đưa dự án cán đích.
Và khó khăn, thử thách chỉ tô điểm thêm khoảnh khắc vinh quang khi cầu dao được đóng, đưa dòng điện hòa lưới ra miền Bắc.
-------------------------
Bốn vị trí cột bắc qua sông Hồng và sông Luộc nằm trong số bảy cột cao nhất trên toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có độ thi công khó và phức tạp nhất, đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng để kéo dòng điện vượt sông ra Bắc.
Kỳ tới: Những cột điện chọc trời kéo điện qua sông