Công nhân đang thi công trên cột điện cao cheo leo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNHĐây là vị trí đóng vai trò là trụ đỡ quan trọng để kéo dòng điện vượt sông ra Bắc.
Nắng mưa thất thường thử thách thợ leo cột
Vùng đất Nam Định, Thái Bình dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Luộc cây cối trù phú, xanh tốt nhờ phù sa bồi đắp. Thế nhưng với những người thợ điện và thi công đường dây 500kV đoạn tuyến Nam Định 1 - Phố Nối, đặc biệt là những vị trí cột để kéo dây qua sông, đây lại là thử thách không hề nhỏ.
Bởi để dựng được những cột điện cao tới gần 150 mét, khối lượng đến 472 tấn, cùng những cây cẩu hạng nặng được đưa vào công trường, bài toán đặt ra với đơn vị thi công là làm sao xử lý được nền đất yếu ở khu vực này để dựng nên những cây cột điện chọc trời.
Vị trí cột 120 tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình, nằm dưới chân đê, giữa những khoảng ruộng và ao nuôi trồng.
Đây là vị trí cột kết nối đường dây truyền tải điện từ vị trí cột 119 (huyện Nam Trực, Nam Định) để đưa điện vượt sông Hồng.
Dưới nắng gắt Bắc Bộ xen lẫn gió đồng đậm mùi hương lúa chín, bốn cột trụ khổng lồ như những cây cổ thụ lâu năm được dựng lên, cùng với các thanh giằng giữa các cột như mạng nhện tạo nên sự vững chãi.
Được giao nhiệm vụ quản lý giám sát, anh Nguyễn Tùng Lâm - cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) - cho hay đến nay hai cột 119-120 đã dựng được hơn 115/145 mét.
Do được thi công trên các ao nuôi trồng nên công tác cải tạo, san lấp mặt bằng mất nhiều thời gian và công sức.
Đặc thù nền đất yếu, toàn bộ cột móng bê tông làm trụ đỡ đều được khoan, ép với mỗi vị trí cột là 176 móng cọc, nên phải đưa rô bốt ép cọc vào làm việc để đảm bảo kỹ thuật và chất lượng công trình.
Anh Lâm kể bắt đầu thi công hai cột từ giữa tháng 5, nhưng do năm nay mùa mưa đến sớm hơn, thời tiết lúc mưa bão kèm dông sét, lúc lại nắng nóng bất thường, cộng thêm gió lớn do địa hình gần sông nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Vì vậy khi thời tiết nắng nóng, anh em công nhân làm sớm ngay khi mặt trời chớm mọc từ 5h-5h30 và làm liên tục đến trưa, buổi chiều sẽ làm đến khi trời tắt nắng hẳn.
Những lúc trời mưa, do việc trèo cao không thực hiện được, công nhân sẽ lắp dựng các tổ hợp thanh chi tiết ở dưới chân cột mà "không ngơi tay chút nào", để ngay sau khi trời tạnh sẽ sẵn sàng leo cột.
Anh em công nhân cũng được bố trí ở ngay gần tại địa điểm cột để thuận tiện di chuyển, phục vụ cho công việc.
Vừa xuống chân cột để nghỉ trưa cho ca khác lên thay, công nhân Lò Văn Lanh (37 tuổi) là người dân tộc Thái chia sẻ đã có kinh nghiệm leo cột 7 năm nay.
Khuôn mặt đen nhẻm ướt đẫm mồ hôi, anh Lanh nói việc chính là thực hiện lắp ghép các thanh thiết bị, xỏ bu lông trên thân cột theo đúng bản vẽ thiết kế.
Dù liên tục phải làm việc ở độ cao và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, song anh cùng nhóm thợ mà phần lớn là người dân tộc từ các tỉnh Tây Bắc xuống làm việc vẫn cảm thấy vui vẻ vì công việc này mang lại thu nhập cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên được tham gia công trình trọng điểm quốc gia đã mang lại cho họ sự trải nghiệm khác biệt, đó là được thi công ở những cột điện có thiết kế lớn và khó.
Ông Vũ Xuân Lưu, phó giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 11 tại miền Nam, chỉ huy công trường gói thầu số 58, chia sẻ điểm khác biệt của dự án này là lần đầu tiên đưa cột ống nhập khẩu vào lắp dựng để kéo điện qua các địa hình khó, phức tạp.
Vì vậy, nhà thầu buộc phải có những biện pháp thi công khác trước. Như tại Thái Bình và Nam Định, cột được dựng lên ở địa hình trũng thấp, nếu không xử lý mặt bằng vững chãi thì không những máy móc vào thi công gặp khó khăn, mà các trụ cao cũng không thể đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Cẩu 400 tấn đưa thiết bị lắp ráp cột điện cao vút ở vị trí 215, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH Cẩu dài 150 mét và những thợ giỏi
Chỉ vào hệ thống cẩu cạnh vị trí cột 215 ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ông Lưu cho hay sau những tính toán cân não cùng chủ đầu tư, các bên đã thống nhất dùng cẩu lớn nặng tới 400 tấn để thi công.
Chi phí có thể bị đội lên tới hơn 30% so với cách làm truyền thống nhưng đây là phương án tối ưu để đảm bảo hiệu quả và tiến độ công trình.
Vì vậy, cây cẩu lớn với bốn trụ đỡ chính vươn ra bám chặt vào nền đất tạo sự vững chãi. Bên cạnh là vị trí cột 215 hiện đã gần tới đích với 140 mét, cẩu đưa các thanh thiết bị lên cột cho công nhân lắp dựng.
Ông Lưu kể để đưa được chiếc cẩu 400 tấn này vào công trường, công ty phải huy động tới 20 chuyến container vận chuyển liên tục trong 5 ngày.
Nhưng trước khi đưa cẩu vào, nhà thầu còn một công đoạn là xử lý nền đất, làm móng vững chắc cho chiếc cẩu bám rễ chắc chắn.
Với yêu cầu gấp rút tiến độ, công ty duy trì thường xuyên 30 công nhân làm việc liên tục ba ca, ăn trưa ngay tại công trường.
"Việc đảm bảo sức khỏe cho anh em công nhân được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi bố trí cơm theo ca và đồ ăn thêm cho công nhân, đưa lên vị trí cột để công nhân có thể tranh thủ những lúc nghỉ trên đỉnh cột mà ăn nhẹ.
Những công nhân leo cột đều phải được tuyển lựa rất kỹ lưỡng, vừa phải sức khỏe dẻo dai, vừa có kinh nghiệm, được huấn luyện kỹ lưỡng, đo huyết áp trước khi trèo cao", ông Lưu nói.
Trên mặt bằng rộng tới 7.000m2 đã được san phẳng có bốn trụ bê tông chắc chắn mọc lên làm trụ đỡ cho các cột, ông Lê Văn Minh, phó ban tiền phương phụ trách kỹ thuật dự án thành phần Nam Định 1 - Phố Nối (thuộc NPMB), cho biết việc lần đầu sử dụng cột ống thép tròn làm trụ điện truyền tải đi qua sông nên thi công càng khó khăn.
Công nhân đang làm việc tại cột điện vị trí 215 tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNHBởi các cột ống thép tròn có đường kính lớn (90cm), không có các điểm gờ gây khó cho di chuyển. Riêng công đoạn leo cột, để lên được đỉnh cao 100 mét cũng phải mất gần 30 phút, nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, công nhân phải đeo dây an toàn suốt quá trình làm việc.
Ông Minh cho hay theo kế hoạch cả bốn vị trí cột đi qua sông Hồng và sông Luộc sẽ hoàn thành vào ngày 20-6 và chuyển sang công đoạn kéo dây. Tuy nhiên, việc kéo dây vượt sông cũng không đơn giản, do ảnh hưởng đến đi lại của tàu bè.
Vì vậy, các đơn vị đã chủ động xin cấp phép, điều tiết, phân luồng đi lại trên sông được thuận tiện, phục vụ cho việc kéo dây. Thời gian thực hiện kéo dây cũng chỉ giới hạn từ 9 đến 15 giờ, khi kéo hạ phải đảm bảo không được để thả dây xuống dòng sông mà phải có các biện pháp đỡ dây bằng tàu hoặc sà lan.
"Tất cả các công việc này đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để khi hoàn thiện là kéo dây, đảm bảo tiến độ công trình", ông Minh chia sẻ.
Cuối chiều khi nắng sắp tắt, công trường vẫn vang tiếng rầm rầm của máy cẩu, của búa máy và sắt thép va vào nhau.
Dọc bờ đê, người dân đứng xem công trình sau buổi đi làm đồng về, như xem những điều mới lạ mà họ chưa từng được chứng kiến ở vùng quê này.
Họ còn hẹn nhau ngày kéo dây sẽ cùng rủ bà con ra đồng để động viên anh em công nhân với niềm mong đợi khi dự án hoàn thành sẽ mang thêm điện về cho miền Bắc.
-----------------
Chỉ sau một năm phát động khởi công, đến nay dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối kéo điện ra Bắc đang tiến về đích với những con số được thiết lập kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn.
Kỳ tới: Không để thiếu điện từ mệnh lệnh Thủ tướng