Trong những năm qua, cùng với Ninh Thuận thì Quảng Trị cũng là địa phương thu hút được nhiều dự án lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Trị tập trung chủ yếu ở khu vực ven biển (điện mặt trời, điện gió) và khu vực phía Tây của tỉnh (điện gió, thủy điện tích năng).
Sở Công thương Quảng Trị cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 939 MW công suất điện, bao gồm 714 MW điện gió, 150 MW điện mặt trời, 104 MW điện mặt trời áp mái nhà. Trong số này, có 19 dự án điện gió (công suất 671 MW), 3 dự án điện mặt trời (công suất 127 MW) đã được đưa vào vận hành thương mại. Hiện tỉnh còn 14 dự án điện gió khác đang triển khai đầu tư với tổng công suất 496,3 MW.
Về điện khí, Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Liên danh nhà đầu tư (T&T, HEC, KOGAS, KOSPO) với Dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn I, công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư hơn 53.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy điện khí 340 MW, do Công ty Gazprom làm chủ đầu tư theo hình thức BOT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Quy hoạch Điện VIII.
Mới đây nhất, Tập đoàn T&T và Công ty SK E&S (Hàn Quốc) đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Nhiệt điện Quảng Trị, sử dụng nhiên liệu hóa lỏng LNG (quy mô công suất 2x750 MW) để thay thế Dự án Nhiệt điện than 1.320 MW…
Các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động không chỉ tạo ra việc làm cho người dân địa phương, mà còn góp phần vào việc đầu tư hạ tầng giao thông, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị đang nỗ lực biến những điều kiện bất lợi thành có lợi. Ngoài chính sách đầu tư của Chính phủ, tỉnh cũng ban hành những chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo”.
Có thể nói, lĩnh vực năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng đang đóng một vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Quy hoạch xác định phương hướng phát triển lĩnh vực năng lượng, đó là tập trung phát triển các nguồn nhiệt điện khí và công nghiệp khí tại khu vực Đông Nam của tỉnh, tận dụng có hiệu quả các nguồn khí trong nước cũng như nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu. Ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch trên địa bàn. Ưu tiên hoàn thành các nhà máy điện gió đã có trong quy hoạch điện quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại những khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên.
Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Trị sẽ bổ sung khoảng 500 MW nguồn điện gió. Đồng thời, bổ sung 3 nguồn nhiệt điện bao gồm LNG Hải Lăng (1.500 MW), Nhiệt điện Quảng Trị 1 (1.320 MW) và Nhà máy điện khí Quảng Trị (340 MW), nâng tổng công suất đặt các nguồn điện toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 đạt khoảng 4.800 MW.
Ông Lê Đức Tiến chia sẻ, mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung không chỉ được đề cập trong Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mà còn được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị.
“Đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế - xã hội thuần túy, mà đây chính là khát vọng, nỗ lực hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững của tỉnh trên con đường xây dựng, đổi mới”, ông Lê Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu tư