Giám sát công tác kéo dây Dự án Đường dây 500kV Nam Định I – Thanh Hóa. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động tới tất cả nền kinh tế - xã hội nói chung và ngành điện nói riêng. Là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ với nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi số trong quản lý dự án, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NPMB xác định: Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là tích hợp công nghệ, mà là chiến lược, cải cách doanh nghiệp hướng đến sự phát triển hợp lý, bền vững. Vì vậy Ban đã từng bước thích ứng, linh hoạt trong việc sử dụng các phần mềm dùng chung (Smart EVN, IMIS, HRMS, eDoc, DOffice,…) cũng như một số nền tảng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Google… nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, văn thư lưu trữ, tài chính kế toán, quản lý nhân sự; các nghiệp vụ được thực hiện chuẩn xác, giảm sai sót, chuẩn hóa toàn bộ các mẫu biểu, quy trình..., đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự giám sát của các cấp quản lý trong từng công đoạn.
Thực hiện chuyển đổi số theo nhiệm vụ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT giao, bao gồm số hóa thiết kế bản vẽ thi công, nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu điện tử, áp dụng phần mềm quản lý tiến độ tiên tiến, ngay từ khi khởi công dự án, phòng Kỹ thuật NPMB đã quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trong việc thực hiện nhật ký điện tử, hồ sơ nghiệm thu điện tử trên Phần mềm quản lý đầu tư xây dựng 2.0 (IMIS 2.0) trong Hợp đồng, hệ thống quản lý chất lượng của các nhà thầu.
Chuyên viên phòng Kỹ thuật quản lý các dự án có nhiệm vụ, trách nhiệm tổng hợp thực hiện số hóa thiết kế bản vẽ thi công, thường xuyên kiểm tra dữ liệu trên IMIS 2.0 để đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thực hiện nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu điện tử theo đúng quy định. Bắt đầu từ khâu hợp đồng, giai đoạn nghiệm thu, đóng điện và kết thúc ở thủ tục thanh, quyết toán.
Toàn bộ các gói thầu của NPMB được tổ chức đấu thầu qua mạng, trừ những gói thầu chưa được mạng đấu thầu quốc gia hỗ trợ như các Gói thầu đấu thầu quốc tế, gói thầu có chia lô, gói thầu có loại hợp đồng hỗn hợp… Ban cũng ứng dụng hoàn toàn ký số trong phát hành các báo cáo thẩm tra, thẩm định, trình, duyệt; trừ những báo cáo xét thầu bắt buộc phải có chữ ký giấy của các thành viên của tổ chuyên gia.
Kiểm tra công tác thi công tại TBA 220kV Phố Cao trên Phần mềm IMIS. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Tất cả hồ sơ được các cá nhân tham gia quy trình cập nhật, kiểm soát và ký số nội bộ trên phần mềm. Mã QR (Quick Response) đang được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại, bắt kịp xu thế này, NPMB đang triển khai thực hiện ứng dụng mã QR để quản lý cho từng loại vật tư, thiết bị theo kế hoạch chung.
Số hóa được tích hợp tối đa với các phần mềm dùng chung tạo sự thống nhất trong đơn vị, đảm bảo vận hành thông suốt, có tính hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ giúp nâng cao năng suất lao động, giảm nhiều khoản chi phí quản lý như chi phí kiểm tra giám sát, tổ chức các cuộc họp…
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cung đoạn từ Phố Nối – Nam Định I – Thanh Hóa do Ban QLDA các công trình điện miền Bắc quản lý với đặc thù trải dài trên nhiều địa hình khác nhau, qua nhiều tỉnh thành, nhiều vị trí móng cột nằm ở các khu vực xung yếu khó tiếp cận, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Để hỗ trợ công tác quản lý tiến độ, chất lượng của dự án, NPMB đã sử dụng thiết bị bay để hỗ thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác phục vụ kiểm tra công tác tổ chức thi công, nhân lực, máy móc thiết bị của các nhà thầu; kiểm tra việc lắp đặt cột thép, phụ kiện, dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang…, góp phần quan trọng trong quản lý dự án.
Nhờ tăng cường chuyển đổi số, sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng khoa học trong thời gian qua, NPMB đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý đạt yêu cầu về hoàn thành tiến độ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả làm việc của CBCNV được nâng lên đáp ứng điều kiện làm việc với môi trường số.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, trong thời gian tới NPMB sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần hướng đến mục tiêu năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á.
Theo TTXVN