Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho đến nay các tổ chức tài chính tín dụng hỗ trợ phát triển đóng góp khoảng 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Mặc dù tỷ trọng vốn không cao, vai trò của các tổ chức nêu trên được đánh giá là rất quan trọng bởi góp phần cung ứng vốn cho các dự án đầu tư không thể tiếp cận nguồn tín dụng thương mại, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy chính sách và đem lại những hỗ trợ kỹ thuật, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài, tạo nên những thay đổi căn bản trong lĩnh vực năng lượng ở nhiều nước trên thế giới.
Trong những năm qua, IEA luôn nhấn mạnh các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch, nhất là ở những nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Tuy vậy, báo cáo về đầu tư năng lượng toàn cầu lại chỉ ra sự chênh lệch trong phân bổ các dòng vốn đầu tư năng lượng giữa các khu vực và quốc gia, theo đó có tới 85% các dự án năng lượng sạch tập trung ở các quốc gia phát triển và Trung Quốc.
Vai trò của các tổ chức tài chính tín dụng hỗ trợ phát triển chính là ở chỗ có thể khuyến khích triển khai được nhiều dự án năng lượng hơn tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tạo được định hướng và xu thế phát triển, giúp thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư tư nhân vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng.
Trong giai đoạn 2019-2022, các tổ chức tài chính tín dụng hỗ trợ phát triển trên toàn cầu đã giải ngân xấp xỉ 24 tỷ USD mỗi năm cho các dự án năng lượng, trong đó các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh được hưởng lợi nhiều nhất.
Khoảng 80% số vốn nêu trên được phân bổ vào các dự án năng lượng sạch. Phần còn lại được giải ngân đầu tư cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là những dự án xử lý trung gian, nhà máy lọc hóa dầu v.v…
Các tổ chức tài chính tín dụng áp dụng những công cụ hỗ trợ đa dạng và khác biệt tùy theo từng khu vực và quốc gia. Nếu như ở châu Phi chủ yếu là đầu tư hỗ trợ phát triển dưới hình thức các khoản trợ cấp với mức cao hơn so với mặt bằng chung, thì tại Ấn Độ, các công cụ được sử dụng lại thiên về các khoản đầu tư phát triển dưới dạng các khoản vay có kỳ hạn, thay vì trợ cấp.
Theo đó, các vùng hay quốc gia khó có khả năng hoàn trả vốn vay mà phải phụ thuộc vào tín dụng hỗ trợ có xu hướng nhận được những ưu đãi trợ cấp cao hơn và ngược lại những khu vực và quốc gia có tiềm lực mạnh hơn, với các dự án có khả năng đem lại lợi ích thương mại sẽ được hỗ trợ các khoản vay có mức độ ưu đãi thấp hơn.
Trong mười năm trở lại đây, ước tính các tổ chức tín dụng tài chính hỗ trợ phát triển trên toàn cầu đã cấp vốn đầu tư cho các dự án năng lượng sạch nhiều hơn gấp bốn lần so với những dự án nhiên liệu hóa thạch, trong đó hơn 50% số vốn cho đầu tư năng lượng sạch được cấp dưới hình thức trợ cấp tín dụng ưu đãi.
Các chuyên gia IEA nhận định rằng mặc dù các khoản vốn đầu tư cho phát triển năng lượng do các tổ chức tài chính tín dụng hỗ trợ phát triển toàn cầu chiếm tỷ trọng không cao, ý nghĩa của những khoản vốn này là rất lớn do đây là những khoản hỗ trợ mang tính nhân văn, đến được với những đối tượng thực sự cần thiết, có tác động định hướng chính sách, tạo thêm động lực để các quốc gia xây dựng các chương trình kế hoạch phát triển cho riêng mình, từ đó đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước một cách bền vững và hiệu quả.
Việt Phương
(Nguồn: https://www.iea.org/commentaries
https://www.bing.com)