Quy định rõ hơn các cơ chế khuyến khích hình thành nguồn điện mới
Theo Tờ trình của Chính phủ, tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra 15 nội dung chính sách về phát triển điện lực. Quan tâm đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành là để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay, vướng mắc trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tán thành với các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và cũng đã cam kết tại Hội nghị COP26 thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện chuyển đổi năng lượng sang năng lượng sạch, tái tạo. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Những chính sách về phát triển điện lực sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh nhiều chính sách được quy định trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng nhận thấy, còn một số chính sách quy định chung chung, không rõ nội hàm, sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án Luật. Lấy ví dụ cụ thể tại Khoản 3, Khoản 9 của Điều 5 quy định chính sách xây dựng chiến lược mua bán điện dài hạn với nước ngoài; chính sách ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, khuyến khích phát triển điện mặt trời, mái nhà và trên mặt nước, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các chính sách này phải được quy định rõ tại dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, phát huy được hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, cũng như trong quá trình quản lý của Nhà nước.
Các chính sách về phát triển điện tái tạo, các nguồn điện mới là nội dung quan trọng tại dự thảo Luật, nhưng các quy định để tạo cơ chế để khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển loại hình điện năng này còn khá chung chung. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã kiến nghị cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên quan tâm quy định rõ hơn một số nội dung như: cơ chế để bồi thường thiệt hại của các bên tham gia khi xảy ra sự cố; làm rõ sản lượng điện dư thừa là bao nhiêu, khung giá để mua sản lượng điện dư thừa…
Giá điện cần bù đắp đúng và đủ cho chi phí sản xuất, kinh doanh điện
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã dành Chương V điều chỉnh với hoạt động mua bán điện với 3 mục gồm: Mục 1 là thị trường điện cạnh tranh (11 điều); Mục 2 là hợp đồng mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện (14 điều); Mục 3 là giá điện và giá các dịch vụ về điện (3 điều). Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu về hợp đồng kỳ hạn điện; mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; về giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh phù hợp với các chủ trương, chỉ đạo về giá điện, cơ chế điều chỉnh giá điện trong thị trường điện cạnh tranh, nguyên tắc tiến tới xóa bỏ “bù chéo” trong giá điện.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần quan tâm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là cụ thể hóa những định hướng, quan điểm, giải pháp được Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý những điểm quan trọng được Nghị quyết số 55 đưa ra như: áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; minh bạch giá mua bán điện; xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền…
Quan tâm đến nguyên tắc định giá điện được quy định từ Điều 51 đến Điều 78 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là nội dung quan trọng nên tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần xây dựng nguyên tắc định giá điện. Theo đó, nhất quán giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện. “Khi giá đã phản ánh đúng, đủ chi phí điện bán cho các nhóm khách hàng thì tự nó sẽ hình thành cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý theo chi phí. Đây là vấn đề phải xác định cho thật đúng, thật kỹ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được dư luận xã hội hết sức quan tâm vì liên quan đến đời sống hàng ngày của mọi người dân, ai ai cũng phải sử dụng điện. Nếu điện thắp sáng hàng ngày tại gia đình được trả đúng theo giá được Nhà nước quy định thì người dân sẽ rất mừng. Nhưng nếu điện phải trả giá cao thì người dân sẽ buồn. Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập trung sửa đổi những vấn đề hiện đang khó khăn, trở ngại để khi sửa đổi xong sẽ tháo gỡ được cho kinh tế - xã hội phát triển, tháo gỡ cho sinh hoạt, đời sống của người dân ổn định hơn. Nếu chúng ta quyết tâm, lý giải cho rõ các vấn đề thì việc sửa đổi Luật sẽ đạt mục tiêu đề ra.