LTS: Sử dụng điện TK&HQ là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trước bối cảnh nguồn điện mới chậm trễ đưa vào hoạt động đe dọa an ninh năng lượng giai đoạn 2025-2030, càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của việc tuyên truyền sử dụng năng lượng TK&HQ trong thời gian tới.
Loạt bài "Cơn khát điện chưa chấm dứt" của Báo Giao thông sẽ phân tích đầy đủ khía cạnh về sự cần thiết phải tiết kiệm điện, cũng như nêu bật những giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp. Đồng thời, khắc họa những nỗ lực tiết kiệm điện từ phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương trong việc ban hành chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ.
Truyền thông nhiều, quy định có nhưng… chỉ mới tự nguyện
Đánh giá về kết quả thực hiện việc sử dụng năng lượng TK&HQ thời gian qua, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bày tỏ: EVN rất chú trọng tiết kiệm điện (TKĐ). Để theo dõi lượng điện tiêu thụ của khách hàng (KH), EVN đầu tư nâng cấp hệ thống đo đạc điện năng, gần 90% trên toàn quốc đã được số hóa. KH có thể theo dõi điện năng tiêu thụ của mình tức thời, thông qua đó có điều chỉnh hành vi sử dụng điện.
EVN cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, thành phố để kịp thời tham mưu cho tỉnh, thành phố thực thi tốt Chỉ thị 20. Bên cạnh đó, giảm công suất đỉnh theo Chỉ thị 20 là đến năm 2025 giảm 1.500 MW thông qua chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Ngoài ra, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải và phân phối.
Sử dụng năng lượng TK&HQ giúp ngành điện giảm đầu tư nguồn điện. Ảnh: EVN.
"EVN đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị trong ngành thực hiện tốt hơn, gấp 2-3 lần so với chỉ tiêu tối thiểu trong Chỉ thị 20, phải tiên phong gương mẫu trong sử dụng điện TK&HQ.
Công tác truyền thông được EVN xem là giải pháp quan trọng nhất vì đây là giải pháp phù hợp nhất, đặc biệt là truyền thông về chính sách quy định của Nhà nước, thông qua đó xã hội có nhận thức về các quy định của Chính phủ.
EVN không chỉ truyền thông về cơ chế chính sách mà còn truyền thông về giải pháp sử dụng điện toàn và hiệu quả. Toàn bộ các tài liệu truyền thông được số hóa và đăng tải trên trang web của EVN và các đơn vị trực thuộc, các kênh chăm sóc KH…", ông Nguyên nói.
Ngoài các kênh sẵn có, EVN cũng thực hiện chuyển đổi số nên đã tận dụng tối đa truyền thông đa phương tiện như Tiktok, Youtube, fanpage trên Facebook, website...
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước tiết kiệm được 2,6 tỷ kwh điện, tương ứng 2,38% so với cùng kỳ, cao hơn mức tối thiểu so với mức Chính phủ giao.
Dù vậy, đại diện EVN nhận định, vẫn có một số khó khăn đối với các doanh nghiệp. Đó là, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế, có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện và thậm chí không đủ năng lực hay cũng chưa tiếp cận được với những công nghệ hoặc khó khăn về mặt tài chính.
"Đây là một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp và thêm vào đó là nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí", ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN chia sẻ.
Thứ hai là về chính sách. Giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28 năm 2014 của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được ban hành từ năm 2014. Giá phụ thuộc vào các cấp điện áp. Thế nhưng, đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ 84-92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52-59% giá bình quân.
"Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự", ông Dũng khẳng định.
Thực tế, việc thực hiện tiết kiệm điện hiện nay vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa giúp ngành điện giảm đầu tư nguồn, thế nhưng, hành động này đang tự nguyện mà không có nhiều ràng buộc từ phía cơ quan chức năng.
Có chế tài xử phạt, nhưng vẫn chưa áp dụng
Theo quy định, hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước), phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng…
Đây cũng là bước đầu trong sử dụng năng lượng TK&HQ. Đồng thời giúp đánh giá chính xác hiện trạng các hệ thống tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp, phát hiện các lãng phí năng lượng và đề xuất ra các giải pháp giúp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp.
Tính đến nay đã có hàng nghìn dự án kiểm toán năng lượng được triển khai trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) nhận định, việc kiểm soát và giám sát chất lượng các hoạt động này vẫn còn hạn chế.
Bộ Công thương đã ban hành hướng dẫn "Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và mẫu báo cáo kiểm toán năng lượng" ban hành kèm theo Thông tư 25 ngày 29/9/2020, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định.
Lý giải nguyên nhân, đại diện VETS cho rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích của việc kiểm toán năng lượng, vì thế, chưa khai thác triệt để được hiệu quả từ việc thực hiện công tác kiểm toán năng lượng.
Bên cạnh đó, do nhận thức và kiến thức về thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng còn hạn chế. Các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến các thiết bị hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu "sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả". Lãnh đạo doanh nghiệp chủ yếu quan tâm tới dây chuyền sản xuất hiệu quả hơn là tập trung vào nâng cao các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, do việc triển khai các dự án cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng các doanh nghiệp gặp phải vấn đề lớn về nguồn vốn. Chi phí đầu tư cao dẫn tới sự e ngại của các doanh nghiệp trong việc đầu tư thực hiện.
Song, nguyên nhân chính trong việc thực hiện hạn chế, theo nhiều chuyên gia là do thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm, bởi các chế tài xử phạt dù có, nhưng vẫn chưa áp dụng, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn.
Bài toán vốn, công nghệ và nhân lực
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc sửa Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ nhằm tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.
Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích.
Theo ông Đặng Hải Dũng, những vấn đề chủ yếu chúng ta gặp khó khăn khi triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng vẫn là công nghệ, nguồn vốn và con người.
Liên quan đến công nghệ, thường vướng mắc khâu đầu tư các trang thiết bị vì khoản đầu tư này thường đòi hỏi các nguồn vốn vay tương đối hấp dẫn và khả năng chi trả. Ông Dũng cho biết, sẽ cố gắng trình Quốc hội xây dựng một quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp thứ hai là tăng cường quản lý Nhà nước các quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn. Tức là chúng ta sẽ phải sửa đổi giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống để quản lý tại các doanh nghiệp tiêu thụ lớn.
Còn về con người, cần tăng cường đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhằm đáp ứng trình độ tiếp cận, vận hành các công nghệ mới. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ mới liên tục được cập nhật, phát triển như công nghệ blockchain, AI, điện toán đám mây...
Tất cả những công nghệ này, ông Đặng Hải Dũng dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý các dây chuyền sản xuất và kể cả những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ hỗ trợ nhiều trong việc ra quyết định của doanh nghiệp.
Hiện Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 17 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 134 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng ban hành Quyết định 14 về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới…
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2011 đến nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam vẫn ở mức khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD/GDP.
Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 60% so với Malaysia và gấp 4-5 lần các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam vẫn đang ở mức 1,3-1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí.
Nói một cách khác, dư địa về tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất lớn, riêng dư địa tiết kiệm trong ngành công nghiệp lên đến 30-35%.