Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên điện mới khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch dự kiến đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này, điều đó có nghĩa là nguồn cung dầu và khí đốt dư thừa có thể thúc đẩy đầu tư vào năng lượng xanh.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo về mức độ bất ổn cao khi các cuộc xung đột diễn ra ở khu vực Trung Đông và Nga, nơi sản xuất dầu và khí đốt, cũng như khi bầu cử diễn ra năm 2024 tại các quốc gia đang chiếm một nửa nhu cầu năng lượng toàn cầu.
“Trong nửa sau của thập kỷ này, viễn cảnh về nguồn cung dầu và khí đốt dồi dào hoặc thậm chí dư thừa sẽ tùy thuộc vào việc những căng thẳng địa chính trị sẽ diễn biến ra sao, và điều đó sẽ đưa chúng ta vào một thế giới năng lượng rất khác” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một thông cáo đi kèm với báo cáo thường niên của cơ quan này.
Cơ cấu năng lượng toàn cầu năm 2050 của IEA. Biểu đồ: REUTERSÔng Birol nói rằng, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch dư thừa có khả năng dẫn đến giá thấp hơn và có thể cho phép các quốc gia dành nhiều nguồn lực hơn cho năng lượng sạch, đưa thế giới vào một “kỷ nguyên điện.”
Trong ngắn hạn, cũng có khả năng nguồn cung sẽ giảm nếu xung đột ở Trung Đông làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ.
IEA cho biết những xung đột này đã làm tăng thêm sự căng thẳng trong hệ thống năng lượng cũng như cho thấy sự cần thiết của việc đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các công nghệ “sạch hơn và an toàn hơn”.
IEA cho biết, năm ngoái, thế giới đã ghi nhận mức kỷ lục về năng lượng sạch được đưa vào sử dụng, bao gồm hơn 560 GW công suất năng lượng tái tạo. Dự kiến sẽ có khoảng 2 nghìn tỷ USD được đầu tư vào năng lượng sạch trong năm 2024, gần gấp đôi số tiền được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Trong kịch bản dựa trên chính sách hiện tại của các Chính phủ, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 ở mức dưới 102 triệu thùng/ngày và tới năm 2035 sẽ giảm xuống mức 99 triệu thùng/ngày (của năm 2023) chủ yếu do nhu cầu giảm từ lĩnh vực vận tải khi việc sử dụng xe điện gia tăng.
Báo cáo cũng nêu ra tác động có thể xảy ra đối với giá dầu trong tương lai nếu các chính sách môi trường nghiêm ngặt hơn được thực hiện trên toàn cầu để chống biến đổi khí hậu.
Trong kịch bản dựa trên các chính sách hiện tại của IEA, giá dầu sẽ giảm xuống còn 75 USD/thùng vào năm 2050 từ mức 82 USD/thùng năm 2023.
Những cách thức khác nhau để phát triển khí tự nhiên. Biểu đồ: REUTERSMặc dù báo cáo dự báo nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ tăng thêm 145 tỷ mét khối (bcm) từ năm 2023 đến 2030, nhưng cũng cho biết nhu cầu có thể tăng hơn nữa do xuất khẩu dự kiến tăng thêm khoảng 270 bcm trong cùng giai đoạn.
Theo báo báo này, “bội cung LNG có thể sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ ít nhất cho đến khi tình trạng này được cải thiện, với giá ở các khu vực nhập khẩu chủ chốt đạt trung bình từ 6,5 - 8 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) năm 2035”.
Hiện tại, giá LNG ở châu Á đang ở mức khoảng 13 USD/mmBtu.
Theo Báo Công Thương