Tình trạng các dự án nguồn điện chậm tiến độ đang trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay có nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật về xử lý dự án điện chậm tiến độ, cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng và nguồn điện phải đảm bảo sự ổn định cung cấp, những giải pháp được đưa ra trong Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của các dự án nguồn điện.
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Cũng theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay pháp luật về đầu tư quy định một số điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư khi có vi phạm về tiến độ. Tuy nhiên, các yêu cầu và điều kiện chấm dứt hoạt động lại chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị chậm tiến độ kéo dài nhưng vẫn không thể xử lý triệt để.
Theo Điều 48 Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể chấm dứt hoạt động của dự án nếu nhà đầu tư không thực hiện các quy định về sử dụng đất theo luật đất đai, hoặc không hoàn tất thủ tục giao đất và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc này lại không áp dụng được cho các dự án chưa hoàn thành các bước giao đất hoặc cho thuê đất, dẫn đến hiện tượng “dự án treo”.
Công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án trọng điểm quốc gia do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) triển khai. - Ảnh: baochinhphu.vn Một trong những vướng mắc lớn hiện nay là quy định pháp luật về đầu tư chỉ cho phép xử lý vi phạm tiến độ sau khi dự án đã bị chậm tiến độ trong vòng 24 tháng. Điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt điện, không đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện quốc gia, vốn cần phải được đảm bảo theo từng năm. Do đó, nhiều địa phương đã đề xuất rút ngắn thời gian xử lý vi phạm tiến độ xuống còn 12 tháng để đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, nếu một dự án nguồn điện bị chậm tiến độ quá lâu mà không có khả năng khắc phục, cơ quan nhà nước có thể chấm dứt hoạt động của dự án. Tuy nhiên, việc yêu cầu nhà đầu tư ngừng hoạt động trong trường hợp này lại không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Đặc biệt, đối với các dự án đã được tính toán trong quy hoạch hệ thống điện quốc gia, việc chậm tiến độ có thể dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung điện, ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế khác và đời sống người dân.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy phát triển bền vững
Để giải quyết các vướng mắc và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết. Một trong những đề xuất quan trọng là bổ sung quy định về tiến độ các dự án nguồn điện, bao gồm các mốc tiến độ quan trọng như: quyết định đầu tư, khởi công công trình chính và đưa dự án vào sử dụng. Việc quy định chi tiết các mốc tiến độ này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi dự án bị chậm trễ.
Ngoài ra, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ. Cụ thể, đối với các dự án chậm tiến độ quá 6 tháng mà không được điều chỉnh theo quy định pháp luật, nhà đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu dự án tiếp tục chậm quá 12 tháng, cơ quan nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động dự án và tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mới. Quy định này không chỉ giúp xử lý triệt để tình trạng chậm tiến độ mà còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư khác tham gia phát triển các dự án nguồn điện.
Ngoài ra, Luật Điện lực cũng đề xuất các cơ chế đặc thù cho việc xử lý các dự án nguồn điện được xem là "khẩn cấp" nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải quốc gia. Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ định các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để thực hiện các dự án điện này nếu không thể tìm được nhà đầu tư thay thế thông qua đấu thầu.
Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, bên cạnh vấn đề xử lý các dự án chậm tiến độ, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện lực cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Hiện nay, phần lớn các dự án điện lực được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu. Điều này dẫn đến việc lựa chọn nhà đầu tư chưa thực sự công khai, minh bạch và hiệu quả.
Theo quy định hiện hành, nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cùng một dự án, cơ quan chức năng sẽ xem xét tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, Luật Điện lực hiện nay chưa có quy định cụ thể về nội dung lựa chọn nhà đầu tư, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc áp dụng các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các luật liên quan khác.
Để giải quyết vấn đề này, Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện lực. Các hình thức này bao gồm: đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chấp thuận nhà đầu tư không qua đấu giá quyền sử dụng đất, và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án điện lực lớn, việc đấu thầu sẽ được tổ chức chặt chẽ theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Luật Điện lực cũng đề xuất các quy định về thẩm quyền tổ chức đấu thầu và mẫu hồ sơ mời thầu cho các dự án điện lực. Điều này giúp đơn giản hóa quy trình và đảm bảo sự thống nhất trong việc tổ chức đấu thầu trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Luật cũng yêu cầu bên mua điện có trách nhiệm đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu, với giá trúng thầu được phê duyệt là mức giá tối đa cho các bên thương lượng.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và thị trường điện ngày càng phức tạp, việc lựa chọn đúng nhà đầu tư sẽ giúp đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng. Với những điều chỉnh và bổ sung này, Luật Điện lực (sửa đổi) hứa hẹn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ, giúp xử lý dứt điểm tình trạng chậm tiến độ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện Việt Nam.
Theo Báo Công Thương